7 điều cần biết trước khi bắt đầu hành trình tạo Podcast.

Sự kiên nhẫn, nhất quán và đam mê sẽ là chìa khóa cho sự thành công trong hành trình tạo Podcast.


Nếu bạn đang “dấn thân” bắt đầu hành trình tạo Podcast và đang mơ hồ về mục tiêu, hướng đi thì bạn đã đến đúng nơi rồi. Hiện nay, Podcast đang trở thành một công cụ mạnh mẽ để chia sẻ kiến thức, kết nối khán giả và tạo dựng thương hiệu cá nhân.

Mình biết đến Podcast và tập tễnh tạo kênh Podcast từ năm 2021. Lúc đó, mình làm kênh Podcast rất ngẫu hứng chỉ vì một lý do đơn giản là thích 10 tờ kinh trong quyển sách “Bí mật Phan Thiên Ân- Người giàu nhất thế giới” của tiến sĩ Alan Phan.

Mình muốn chia sẻ nội dung 10 tờ kinh đến cho mọi người và những sách hay về Phát triển bản thân hoặc những câu chuyện hữu ích giúp mọi người có những suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống.

Kênh Podcast hiện mới có 17 số và gián đoạn trong thời gian dài vì thời gian qua mình quá bận với công việc kinh doanh của mình.

Mình muốn chia sẻ với bạn “7 điều cần biết trước khi bắt đầu hành trình tạo podcast” để bạn có thể đi được chặng đường dài và phát triển kênh của mình.

Xác định mục tiêu tạo Podcast

Nếu bạn là người mới bắt đầu tạo Podcast hoặc đang muốn phát triển kênh Podcast của mình, trước tiên bạn cần phải xác định rõ lý do và mục tiêu cụ thể.

Đó chính là yếu tố quyết định sự thành công của bạn.

Xác định mục tiêu tạo Podcast không chỉ đơn giản là đặt ra một mong muốn. Nó sẽ là “ngọn đèn” dẫn lối để bạn tạo ra những nội dung phù hợp với người nghe và xây dựng một chiến lược hợp lý cho kênh Podcast của bạn.

Mục tiêu sẽ là động lực và nguồn cảm hứng giúp bạn vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên hành trình tạo Podcast.

Bạn phải biết rõ bạn tạo Kênh Podcast vì những lý do nào:

Sở thích

Bạn tạo Podcast chỉ vì sở thích, muốn chia sẻ một đam mê hay kỹ năng nào đó của bạn đến với mọi người.

Mở rộng kiến thức

Bạn đang học một kiến thức mới và muốn ghi lại “nhật ký hành trình” tạo Podcast để chia sẻ các thông tin hữu ích đến những người khác. 

Kết nối với những người khác

Bạn muốn tìm kiếm, kết nối với những người có cùng đam mê trong lĩnh vực của bạn.

Xây dựng cộng đồng

Bạn muốn tạo thêm kênh Podcast để xây dựng cộng đồng. Khi đã có một lượng lớn người theo dõi, bạn có thể tận dụng nó cho mục đích kinh doanh hoặc tiếp thị khác. 

Kiếm tiền

Bạn muốn làm Podcast để kiếm tiền từ quảng cáo, tài trợ, bán hàng…. Bạn phải xây dựng một chiến lược nội dung phù hợp để xây dựng cộng đồng. Khi được nhiều người biết đến, bạn mới có thể kiếm tiền.

Tìm chủ đề Podcast

Khi bắt đầu xây dựng một kênh nào đó trên mạng xã hội, tìm chủ đề cho kênh luôn là một khó khăn và thử thách. Cho dù bạn có thể làm bất kỳ chủ đề nào nhưng để phát triển kênh lâu dài, bạn cần dành thời gian suy nghĩ cẩn thận về chủ đề bạn muốn làm.

Bạn nên bắt đầu mọi thứ từ niềm đam mê của mình. Bạn phải trả lời được câu hỏi:

  • Tại sao bạn muốn xây dựng kênh Podcast?
  • Bạn là ai? Bạn muốn chia sẻ điều gì với thế giới?
  • Bạn có khả năng hay kinh nghiệm gì?
  • Bạn có thể giúp cho mọi người giải quyết được vấn đề gì?

Trong bài Bật mí 6 cách tìm ngách viết blog kiếm tiền tôi đã chia sẻ: Để có thể tìm được ngách của mình, bạn nên tạo ra 2 danh sách: danh sách những điều bạn đam mê và danh sách những điều bạn thật sự giỏi. Từ những điểm chung đó, bạn sẽ tìm ra được ngách của mình. Sau đó, bạn sẽ tìm ra được chủ đề mà bạn sẽ chia sẻ trong ngách của mình.

Khi chọn chủ đề cho Podcast, bạn nên chọn những chủ đề có thể mở rộng sang các hướng kinh doanh khác

Ví dụ: Khi tôi làm kênh Podcast, dự định ban đầu của tôi chỉ là đọc những quyển sách hay về Phát triển bản thân thôi nhưng mảng này thì trên Youtube cũng có nhiều rồi mà lại dễ bị dính bản quyền sách. Vì vậy tôi lựa chọn chủ đề mở rộng hơn là chia sẻ một vài chương hay trong quyển sách nào đó và những nội dung hữu ích trong cuộc sống. Nó vừa tạo sự khác biệt và không bị dính bản quyền sách.

Khán giả của bạn là ai và họ muốn gì?

Khi tạo Podcast, bạn phải biết rõ về đối tượng khách hàng của bạn:

  • Họ là ai? Họ có những đặc tính gì về mặt nhân khẩu học?
  • Điều gì khiến họ thích nghe Podcast của bạn?
  • Người nghe sẽ nhận được những giá trị gì từ bạn?

Điểm khác biệt của bạn là gì?

Theo quan điểm của mình: Xây dựng kênh Podcast nó có vẻ khó hơn so với các kênh mạng xã hội khác như: Fanpage, Youtube,… . Podcast gần giống như là kênh phát thanh truyền thống. Nó đòi hỏi bạn phải có giọng nói hay, truyền cảm, dẫn dắt được cảm xúc của người nghe và nội dung cũng phải hấp dẫn nữa vì lúc đó người nghe chỉ tập trung vào câu chuyện và giọng nói của bạn.

Vì vậy, hãy đi một vòng tìm hiểu xem các Podcasters khác đang làm gì? Hãy bắt chước những cái hay của họ.

Bạn đừng sợ phải bắt chước ai đó khi mới bắt đầu. Ban đầu bạn phải bắt chước làm sao cho giống họ đã. Sau khi đã thành thạo rồi, bạn hãy tạo ra chất riêng và hướng đi riêng cho mình.

Nếu bạn không phải là người đi đầu, hãy làm nhiều hơn và sáng tạo hơn.

Đừng sợ bắt chước ai đó khi bạn mới bắt đầu

Bạn có kế hoạch kiếm tiền từ kênh Podcast không?

Bạn phải xác định ngay từ đầu: Bạn xây dựng kênh Podcast để kiếm tiền hay chỉ để thỏa mãn sự đam mê của bạn?

Bạn cũng nên nghĩ đến việc: Khi Podcast của bạn được nhiều người biết đến, bạn sẽ kiếm tiền như thế nào và bán sản phẩm gì để tạo ra thu nhập? Bạn có thể làm tiếp thị liên kết được cho những sản phẩm nào?

Từ đó, bạn chọn các chủ đề podcast phù hợp để tiếp cận khách hàng và thu hút các thương hiệu nổi tiếng biết đến bạn. 

Bạn có thể tìm hiểu xem các sản phẩm nào phù hợp để có thể kết hợp tốt với tiếp thị liên kết và tạo cơ hội kiếm tiền.

Bạn có dự định Podcast của bạn sau 2 hoặc 3 năm tới sẽ phát triển như thế nào không? 

Bán có dự định viết sách điện tử hay cung cấp khóa học nào hay không?

Lên kế hoạch nội dung và lịch phát sóng

Khi đã chọn được ý tưởng cho kênh podcast rồi, bạn hãy lên kế hoạch nội dung chi tiết, nhất quán hơn.

Bạn dự định sẽ mất bao nhiêu thời gian để nghiên cứu và lên kế hoạch cho nội dung cho Podcast? 

Bạn cũng nên ấn định lịch phát sóng cố định hàng tuần để người nghe tiện theo dõi.

Bạn có cộng tác với người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng nào không?

Podcast là kênh dễ dàng tổ chức các cuộc trò chuyện.  

Bạn có thể tìm kiếm những người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực của bạn và mời họ tham gia trong các tập podcast của bạn hoặc đề nghị cộng tác với họ không?

Bạn có thể tìm kiếm các chuyên gia tham dự trên kênh podcast của mình trên LinkedIN

Khi bạn đã thực hiện xong 7 bước trên, có nghĩa là bạn đã sẵn sàng cho một cuộc hành trình thú vị và đầy tiềm năng trong lĩnh vực podcasting. Bạn sẽ tạo ra một podcast độc đáo, hấp dẫn và mang lại giá trị cho người nghe.

Trên hành trình tạo podcast, hãy luôn cập nhật và cải thiện kiến thức của mình về podcasting, tiếp tục tạo nội dung độc đáo và chất lượng và không ngừng tương tác và gắn kết với khán giả của mình. Sự kiên nhẫn, nhất quán và đam mê sẽ là chìa khóa cho sự thành công trong lĩnh vực podcasting.

Bạn đã sẵn sàng để khám phá và chinh phục thế giới podcasting.

Hãy tin tưởng vào khả năng của mình và bắt đầu hành trình sáng tạo của bạn ngay hôm nay!

Xem thêm: Podcast là gì? Tại sao Podcast trở thành xu thế năm 2023?


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *