Nhận diện nhanh phong cách kinh doanh online của bạn trong 60 giây?

Bạn đã chọn cho mình phong cách kinh doanh nào chưa?

Kinh doanh online không chỉ đơn thuần là cần sản phẩm tốt, chiến lược tiếp thị sáng tạo mà còn là cách bạn định vị phong cách kinh doanh của mình. Bạn muốn trở thành ai trong tâm trí của khách hàng?

Trước tiên, tôi hỏi bạn câu này nhé:

Bạn kinh doanh online để làm gì?

Vì Tiền.

Tôi nghĩ đó không chỉ là câu trả lời của riêng bạn mà còn là của tôi và của hầu hết chúng ta.

Cuộc sống của chúng ta có quá nhiều thứ phải lo toan vất vả. Ai cũng mong có tiền để lo cho con cái, người thân có cuộc sống tốt đẹp hơn, sung túc hơn. Kinh doanh online cũng là một trong những cách để chúng ta tạo thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đa phần chúng ta thường chỉ nghĩ cách “Làm sao tạo ra doanh thu cao” mà ít khi nghĩ đến việc “Làm sao để kinh doanh bền vững”. Chính vì vậy, nó sẽ khiến cho việc kinh doanh của chúng ta vất vả hơn.

Trước đây, tôi cũng đã kinh doanh qua rất nhiều lĩnh vực: mỹ phẩm, dịch vụ giấy tờ nhà đất, … Có thể hành trình kinh doanh online của tôi chưa nhiều như mọi người nhưng cũng đủ để tôi nhận ra rằng: Nếu Kinh doanh online chỉ vì kiếm tiền thôi, bạn sẽ rất cực. Bạn cần có một lộ trình định hướng mình rõ ràng trên hành trình kiếm tiền này. Bạn sẽ cảm thấy công cuộc kiếm tiền của bạn tuy cực nhưng bạn sẽ thấy vui và nó sẽ bền hơn.

4 Phong cách kinh doanh online mà bạn thường gặp

Hãy xem bạn đang chọn phong cách kinh doanh online nào để tiếp cận với khách hàng nhé?

Thợ săn

Ở một góc độ nào đó, bạn là người giỏi bán hàng, có con mắt quan sát tinh tường, nhận diện ra được khách hàng tiềm năng rất nhanh và luôn chủ động trong việc chốt sale, không ngại thách thức.

Tuy nhiên, bạn thường đặt lợi ích của bản thân lên trên hết, chỉ tập trung vào việc “bán, bán và bán”, không thực hiện những lời đã hứa, quên trao giá trị mà khách hàng mong đợi và không chăm sóc khách hàng sau khi bán.

Bạn thiếu kiến thức sâu về sản phẩm, chỉ dựa vào sự khéo léo trong giao tiếp để “săn mồi”.

Khi bạn không còn tìm kiếm được khách hàng cho sản phẩm hay dịch vụ đó nữa, bạn tìm đến những sản phẩm và dịch vụ mới để dễ bán hàng hơn.

Nếu bạn đang có phong cách bán hàng này thì sự nghiệp kinh doanh của bạn sẽ không bền, bạn không có được những khách hàng trung thành lâu dài. Bạn sẽ rất vất vả trên hành trình kinh doanh này.

Bạn cứ tưởng tượng: bạn là thợ săn trong một khu rừng, suốt ngày bạn chỉ săn bắn những thứ đang có trong khu rừng đó. Nếu một ngày nào đó không còn thú cho bạn săn bắn nữa, bạn sẽ đi tìm một khu vườn khác để săn bắn chăng?

Người chia sẻ

Bạn là người yêu sản phẩm đến mức luôn chia sẻ nhiệt tình với bất kỳ ai bạn gặp và bất kỳ nơi nào bạn tới. Bạn thường xuyên viết bài, làm video, livestream để giới thiệu sản phẩm. Thậm chí, cho dù đi bất kỳ đâu bạn cũng đem theo sản phẩm để chụp hình.

Bạn hiểu rõ và đam mê về sản phẩm đến nỗi bạn luôn thao thao bất tận về công dụng và những lợi ích của sản phẩm mà quên mất việc trao giá trị của bạn cho khách hàng. Hãy để cho khách hàng biết giá trị của bạn, tại sao họ nên mua hàng từ bạn.

Cho dù bạn có kiến thức rộng về sản phẩm nhưng chưa kết nối sâu được với khách hàng bởi vì bạn chưa giải quyết được nỗi đau và mong muốn của họ. Vì vậy, bạn chỉ đóng khung trong vai trò “người giới thiệu sản phẩm” và chưa tạo ra sự khác biệt.

Để thực sự bứt phá, bạn cần hiểu rõ nỗi đau, vấn đề mà khách hàng đang gặp phải.

Người Gieo Trồng

Bạn là người có kiến thức sâu sắc về sản phẩm đang kinh doanh. Đặc biệt bạn có khả năng giải quyết được những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải và bạn bán hàng bằng yếu tố chuyên gia.

VD: Khi bán sản phẩm chăm sóc da, bạn có kiến thức sâu về chăm sóc da. Bạn tư vấn cho khách hàng cách chăm sóc da, giải quyết được nỗi đau, mong muốn của khách hàng. Bạn hỗ trợ khách hàng trước, trong và sau khi mua hàng thậm chí ngay cả khi khách hàng không mua sản phẩm. Điều này xây dựng lòng tin và sự uy tín của bạn đối với khách hàng. Nó như những hạt giống gieo xuống, đâm chồi và nảy lộc.

Jim Rohn cũng đã từng đã chúng ta giống nhưng những người gieo hạt. Mỗi hạt giống tượng trưng cho cơ hội, kiến thức và giá trị mà ta mang đến cho người khác. Ông nhấn mạnh rằng không phải tất cả hạt giống đều nảy mầm, cũng như không phải mọi nỗ lực đều mang lại kết quả ngay lập tức. Có hạt rơi vào đất tốt và phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng có hạt rơi trên sỏi đá hoặc bị chim trời ăn mất. Tuy nhiên, người gieo hạt không vì thế mà nản lòng, họ tiếp tục gieo, vì họ hiểu rằng chỉ cần kiên trì và gieo trồng đủ nhiều, thành quả nhất định sẽ đến.

Bạn cũng vậy, khi khách hàng đón nhận được những giá trị của bạn đem lại, họ sẽ trở thành những khách hàng trung thành và giới thiệu bạn bè, người thân của họ cho bạn.

Doanh Nhân Thông Tin (Inforpreneur)

Bạn là người có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực và biết cách truyền tải thông tin một cách thu hút, truyền cảm hứng.

Bạn có khả năng tổng hợp và nghiên cứu nhanh, sử dụng kiến thức để phát triển nội dung mang lại giá trị cho người khác.

Bạn là Doanh Nhân Thông tin, người không chỉ bán sản phẩm mà còn biết cách biến những kiến thức sẵn có để tạo ra những sản phẩm cho riêng mình: như khóa học, ebook hay video hướng dẫn.

Để trở thành Doanh Nhân Thông Tin, bạn cần nhiều thời gian tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tạo dựng uy tín, xây dựng cộng đồng. Mọi việc cần có thời gian, bạn không thể “thành danh” trong một sớm một chiều.

Sự khác biệt lớn nhất giữa Doanh Nhân Thông Tin và Người Gieo Trồng là khả năng truyền cảm hứng và thương mại hóa kiến thức, biết cách biến kiến thức thành sản phẩm có giá trị cao.

Lựa chọn cách kinh doanh bền vững hơn

Đằng nào cũng phải kinh doanh online để kiếm tiền nhưng khi bạn nhận diện ra & chọn cho mình phong cách kinh doanh phù hợp, bạn sẽ tạo ra lộ trình cho mình bền vững hơn.

Bạn hãy đặt ra cho mình lộ trình để phấn đấu dịch chuyển sang vị trí 3,4 tốt hơn.

Thành công là một nỗ lực không ngừng nghỉ. Bạn không thể mãi mãi là Thợ săn hay Người Chia sẻ. Bạn cần phát triển kỹ năng, kiến thức và sự kiên nhẫn của Người Gieo Trồng. Khi bạn đã tích lũy đủ kinh nghiệm và hiểu rõ giá trị của mình, hãy chuyển mình thành Doanh Nhân Thông Tin – người không chỉ bán sản phẩm mà còn bán những tri thức giá trị.

Hãy nhớ rằng, để trở thành một Doanh Nhân Thông Tin thành công, nền tảng kiến thức sâu rộng và có lòng đam mê giúp đỡ người khác.

Nếu bạn quan tâm, tôi sẵn lòng giúp đỡ bạn.